Công nghệ mã số, mã vạch - công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý sản phẩm, hàng hóa
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới mã số mã vạch tăng mạnh, từ 5.606 doanh nghiệp năm 2018 lên 6.411 doanh nghiệp năm 2019. Từ đó cho thấy, công nghệ mã số, mã vạch là công cụ hỗ trợ đắc lực không thể thiếu trong hoạt động từ mua hàng đến bán hàng của các doanh nghiệp.
Mã số, mã vạch là một phần của ghi nhãn hàng hóa như: tên, địa chỉ nhà sản xuất, tính năng cơ bản của sản phẩm, là yếu tố gắn liền với hoạt động quản lý chất lượng. Mã số, mã vạch có các lợi ích và ứng dụng cơ bản giúp quản lý sản phẩm, hàng hóa, quản lý chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi cho thương mại. Ngoài ra, mã số, mã vạch đang được ứng dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động truy xuất nguồn gốc ở một số địa phương. Do đó, việc quy định về quản lý mã số mã vạch trong khuôn khổ pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phù hợp.
Công tác quản lý mã số mã vạch được thực hiện trên cơ sở các quy định sau: Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch; Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của “quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”, trong đó có quy định về quản lý sử dụng mã nước ngoài.
Ngoài ra, còn có Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, với nội dung giao Bộ Khoa học và Công nghệ “Đẩy mạnh hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nhà nước về mã số mã vạch đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; phổ biến tuyên truyền về mã số mã vạch nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng; trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP trong quý 3 năm 2017”.
Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng điêu đứng. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt thời kỳ khó khăn, kể từ ngày 26/5-31/12, Bộ Tài chính sẽ giảm đồng loạt 50% các loại phí thẩm định, trong đó có phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 45/2020/TT-BTC, kể từ ngày 26/5, phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài và lệ phí sở hữu công nghiệp sẽ nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 232/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016. Sau ngày 31/12/2020, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định trước ngày 26/5/2020. Đây là giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Mã số, mã vạch nói chung và mã nước ngoài nói riêng đóng vai trò trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển. Trên thế giới, để đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng, nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia đã áp dụng truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng như EU, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc… theo đó hầu hết đều khuyến nghị sử dụng tiêu chuẩn GS1 làm nền tảng.
Mã số, mã vạch còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chống hàng giả hàng nhái. Nhận thấy vai trò quan trọng của GS1 trong việc chống hàng giả hàng nhái, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã phân bổ một khối mã cơ quan phát hành (IAC) cho GS1 từ 0 đến 9 với tư cách là cơ quan phát hành các quy tắc định danh, xác định, đăng ký, kiểm soát và duy trì tính đơn nhất trên toàn cầu.
Khi đăng ký với GS1, một công ty được gán một tiền tố doanh nghiệp (GCP) đơn nhất trên toàn cầu và cho phép tạo ra các mã định danh GS1 đơn nhất khác hỗ trợ việc minh bạch kinh doanh và thông suốt chuỗi cung ứng của họ. Khi các công ty kết nối, giao thương với nhau nhờ GS1 mà các thông tin chuỗi cung ứng được rõ ràng, minh bạch, họ đơn giản hóa trong trao đổi, tập trung vào cách sử dụng thông tin nhiều hơn thay vì thu thập thông tin, cải thiện sự hợp tác, tăng cường bảo mật và truy xuất nguồn gốc.
Chính vì sự cần thiết đó nên phải có những giải pháp quyết liệt, để thúc đẩy việc áp dụng mã số, mã vạch vào sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, nhằm đảm bảo cho hàng hóa Việt lưu thông một cách nhanh chóng và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
(Tin tổng hợp từ nguồn: http://vietq.vn/).
Văn phòng Sở KH&CN (Trúc Phương)